Các nhà bán lẻ và sản xuất đang đặt mua hàng quá nhiều hoặc quá sớm bất chấp chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị khủng hoảng trầm trọng và điều này khiến tình hình càng thêm trầm trọng, các chuyên gia trong ngành nói với CNBC.
“Đột nhiên, các nhà bán lẻ và sản xuất đặt mua hàng quá nhiều vì các vấn đề của chuỗi cung ứng và điều đó lại dẫn đến một kịch bản thậm chí còn tồi tệ hơn”, ông Jonathan Savoir – CEO của công ty công nghệ chuỗi cung ứng Quincus, cho hay.
Năm nay, chuỗi cung ứng ở khắp nơi đang bị ảnh hưởng bởi hàng loạt yếu tố gián đoạn, từ thiếu hụt container tới lũ lụt và đại dịch Covid-19, khiến các cảng biển phải đóng cửa. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vì nhu cầu đang “phi mã” trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc đại lục và châu Âu là những yếu tố mới nhất làm chao đảo ngành vận tải biển. Trong đó, cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc đã gây ra sự gián đoạn trên diện rộng do chính quyền các địa phương quyết định cắt điện tại nhiều nhà máy. Châu Âu cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt.
Tuy nhiên, theo ông Savoir, việc các nhà bán lẻ tích trữ quá nhiều hàng hóa đang gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn về công suất và dẫn tới “hiệu ứng bullwhip”. Đây là một thuật ngữ dùng để mô tả tình huống mà những thay đổi nhỏ trong nhu cầu ở cấp độ bán lẻ có thể dần dần gây ra biến động lớn hơn trong nhu cầu, từ đó ảnh hưởng đến các nhà bán buôn, nhà phân phối và nhà sản xuất. Trong đó, nhà cung cấp các vật liệu thô sẽ là bên bị ảnh hưởng lớn nhất.
Hiệu ứng này có thể dẫn tới những dự báo sai lệch về nhu cầu và các đơn hàng không được thực hiện.
Trong báo cáo ra ngày 15/10, RBC Wealth Management cho biết: “Vì mọi người đều hiểu rõ vấn đề nên họ bắt đầu đặt mua vật liệu thô, linh kiện và thành phẩm sớm hơn bình thường. Điều này khiến hàng người xếp chờ hàng hóa ngày càng dài hơn và tạo ra một vòng luẩn quẩn”.
Khi mùa lễ hội sắp đến gần, các chuyên gia trong chuỗi cung ứng cảnh báo thế giới có thể bị thiếu hụt hàng hóa hoặc giá sẽ tăng vọt do nhu cầu cao và nguồn cung thấp. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng được dự báo sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế thế giới. IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn mà một trong những lý do được đưa ra là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế phát triển.
“Vấn đề gián đoạn này sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều”, RBC Wealth Management nhận định.
Theo kết quả khảo sát của bộ phận phân tích RBC Elements, 77% cảng biển lớn mà họ theo dõi đều ghi nhận thời gian tàu neo đậu lại dài bất thường và vấn đề này có xu hướng tồi tệ hơn.