CafeBiz: Startup Quincus thành công gọi vốn vòng Series B, được dẫn dắt bởi UP.Partners và GGV Capital
Vòng đầu tư mới này diễn ra chỉ sau chín tháng kể từ khi Quincus kết thúc vòng Series A vào tháng 1/2021, do GGV Capital, Masik Enterprises và Aletra Capital Partners dẫn đầu. Khoản đầu tư từ vòng Series B giúp nâng mức định giá của công ty lên hơn 100 triệu USD.
Quincus – công ty hàng đầu về SaaS (Software-as-a-Service – dịch vụ phần mềm) cho doanh nghiệp giúp giải quyết các thách thức trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu, vừa công bố kết thúc thành công vòng gọi vốn Series B (số vốn cụ thể không được tiết lộ). Khoản đầu tư từ vòng Series B giúp nâng mức định giá của công ty lên hơn 100 triệu USD.
Vòng gọi vốn này được dẫn dắt bởi UP.Partners – quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào điện khí hoá và di động có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại là GGV Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới từng thu hút số vốn lên tới 9,2 tỷ USD và cũng là nhà đầu tư vào các công ty lớn về công nghệ và công nghiệp nổi tiếng như Airbnb, Alibaba, Grab và Slack.
Vòng đầu tư mới này diễn ra chỉ sau chín tháng kể từ khi Quincus kết thúc vòng Series A vào tháng 1 năm 2021, do GGV Capital, Masik Enterprises và Aletra Capital Partners dẫn đầu. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, Quincus chứng kiến sự tăng trưởng 600% về số lượng lô hàng vận chuyển trên 48 quốc gia. Quincus cũng liên tục mở rộng nhân sự, khách hàng và tổng khối lượng giao dịch, với hơn 70 triệu lô hàng mỗi tháng và phân tích hơn 1,4 triệu tỷ điểm dữ liệu.
Kể từ khi thành lập vào năm 2014 bởi ông Jonathan E. Savoir và bà Katherina-Olivia Lacey, Quincus đã và đang hợp tác chặt chẽ với nhiều sàn thương mại điện tử gia dụng, các hãng hàng không và logistics, giúp họ giải quyết các vấn đề trong chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Nguồn vốn mới cho phép Quincus đẩy nhanh tốc độ phát triển thông qua đầu tư mạnh mẽ vào việc mở rộng thị trường và phát triển công nghệ.
Quincus có trụ sở chính tại Singapore, đang hoạt động kinh doanh tại Indonesia, Malaysia, Mexico, Đài Loan, Việt Nam, UAE, Mỹ và Anh. Quincus đặt mục tiêu phát triển đội ngũ lên hơn 400 nhân sự để hỗ trợ hoạt động tại các văn phòng mới thành lập ở Canada và Trung Đông vào cuối năm nay. Công ty cũng sẽ mở rộng sang các thị trường mới như châu Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản vào năm 2022.
Ông Jonathan E. Savoir, Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành tại Quincus, chia sẻ: “Quá trình số hoá ngành logistics và chuỗi cung ứng đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch cùng các hoạt động thương mại tại địa phương và trên toàn cầu.
Đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho ngành này khi các công ty ngày nay nhận thấy được sự cấp thiết trong việc cần phải cung cấp các dịch vụ tốt hơn và nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các vấn đề như Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp cũng đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp hiện nay, chính vì vậy, nhu cầu về chuỗi cung ứng xanh cũng ngày càng tăng lên.
Quincus hoàn toàn sẵn sàng để cung cấp các giải pháp liên quan, giúp khách hàng đạt được các mục tiêu về chuỗi cung ứng và logistics thông qua các ứng dụng công nghệ có thể thiết lập dễ dàng của chúng tôi“.
Đồng quan điểm, bà Katherina-Olivia Lacey, Đồng sáng lập, Giám đốc Sản phẩm tại Quincus, cho biết, “Chúng tôi tin rằng những tiến bộ trong sản phẩm công nghệ chuỗi cung ứng của Quincus sẽ giúp định hình lại dòng lưu thông của hàng hóa và thương mại trên toàn thế giới, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Với nguồn dữ liệu của Quincus, khách hàng có thể tổng hợp, phân tích và hợp nhất vào một bảng điều khiển, giúp đưa ra quyết định chính xác hơn trong những trường hợp phức tạp, ví dụ như áp dụng biện pháp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường. Chúng tôi rất vinh dự khi nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư có niềm tin vào những gì mà Quincus có thể mang lại.
Chúng tôi hi vọng có thể tận dụng chuyên môn của những nhà đầu tư này để mang công nghệ tới với những khu vực mà họ chưa có cơ hội tiếp cận“.
Với những khoản đầu tư mới, Quincus sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao hơn nữa các dịch vụ đa chặng (multi-mile) của mình bằng cách tăng cường tính năng hiển thị theo thời gian thực (real-time visibility) và các nền tảng tối ưu hóa máy học.
Điều này sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái chuỗi cung ứng kết nối mạnh mẽ hơn cho các hãng vận tải, hãng hàng không và các nhà vận hành chuỗi cung ứng, giúp tối ưu hóa và vận chuyển các lô hàng thông qua các mạng đa phương thức xuyên suốt chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối.
Bà Ally Warson, Giám đốc UP.Partners, nói thêm, “UP.Partners và Quincus sẽ cùng cam kết hướng tới việc chuyển đổi dòng lưu thông của hàng hóa toàn cầu. UP.Partners tin rằng chuỗi cung ứng trên toàn cầu đã sẵn sàng cho việc phát triển công nghệ và Quincus nắm giữ chìa khóa để mang tới hiệu quả lớn cho ngành công nghiệp logistics. Những tác động của Covid lên nền kinh tế đã buộc các công ty logistics toàn cầu phải suy nghĩ lại về cách vận hành hoạt động kinh doanh của mình.
Quá trình số hóa đang tăng tốc nhanh hơn bao giờ hết, và giải pháp của Quincus giúp giải quyết những khó khăn mang tính chiến lược trên toàn bộ chuỗi logistics. UP.Partners nhận thấy được tiềm năng lớn của Quincus và chúng tôi rất mong chờ vào sự hợp tác với Jonathan và Katherina trong hành trình trở thành ‘nhà điều hành’ của ngành logistics“.
Ông Weihan Liew, Phụ trách Đối tác tại GGV Capital, tiếp lời: “Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành logistics toàn cầu, tạo cơ hội cho những công ty mới cũng như các công ty đang hoạt động trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng.
Chúng tôi tin rằng phần mềm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển đổi này, và đặc biệt ấn tượng bởi khả năng của Quincus trong việc cải thiện hoạt động chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp hiệu quả và linh hoạt hơn thông qua AI và máy học.
GGV Capital rất vui mừng khi được hỗ trợ những nhà sáng lập đầy quyết tâm và giàu kinh nghiệm như Jonathan và Katherina, đồng thời mong muốn được làm việc cùng họ trong thời gian tới để củng cố vị thế của Quincus ở Đông Nam Á và xa hơn nữa“.
Hiện tại, nền tảng có khả năng học tập của Quincus có thể phân tích và xử lý thông tin của 160 triệu doanh nghiệp cùng 1,4 triệu tỷ tuyến đường toàn cầu trên các siêu máy tính, mang tới cho khách hàng cơ hội dẫn đầu. Ví dụ: nền tảng của Quincus có thể cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về các gián đoạn trong chuỗi cung ứng, cho phép khách hàng đưa ra các quyết định quan trọng về việc lưu thông hàng hóa và đảm bảo kế hoạch tốt nhất.